Tại khóa tập huấn, bà Igrid Christensen, Giám đốc của Văn phòng Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam nhấn mạnh: “Phi chính thức là một rào cản lớn với công việc ổn định của tất cả mọi người, vì vậy, cần thúc đẩy bình đẳng, mở rộng bảo trợ xã hội cho lao động kinh tế phi chính thức, xây dựng các cơ chế đối thoại xã hội, hướng hỗ trợ vào những người yếu thế đặc biệt như phụ nữ và thanh niên, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ…”.

Quang cảnh khóa tập huấn

Theo bà Igrid Christensen, lao động có việc làm phi chính thức thường có mức độ bảo vệ kém, gồm lao động không có hợp đồng, không có bảo hiểm xã hội, không được bảo đảm an sinh khi bị ốm, nghỉ hưu, tai nạn lao động... Những điều này gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế trong toàn xã hội.

Thời gian qua, Việt Nam đã làm tốt trong việc giảm tỷ trọng lao động phi chính thức, nằm ở mức độ trung bình trong số các quốc gia khu vực châu Á -Thái Bình Dương trong các nỗ lực chuyển dịch từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức.

Tuy nhiên, hướng tới mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao, phát triển mạnh, nhiệm vụ tăng cường bảo đảm an sinh xã hội, giảm thiểu tình trạng lao động phi chính thức ngày càng quan trọng.

Trao đổi với báo giới, chuyên gia tư vấn của ILO, bà Sriani Ameratunga Kring chia sẻ thêm, cần có các chiến lược việc làm ổn định cho kinh tế phi chính thức, xây dựng môi trường pháp luật, bao gồm thực thi tiêu chuẩn lao động quốc tế và các quyền chính; mở rộng bảo trợ xã hội, an sinh xã hội, chuyển dịch xã hội. Đồng thời, có chính sách thu thuế tiến bộ và các cơ chế an sinh xã hội riêng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ; bảo đảm bảo trợ pháp lý cả trong luật và thực hiện.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện nay, Việt Nam có 33,632 triệu người là lao động phi chính thức, chiếm tỷ lệ 68,5%. Lao động phi chính thức chiếm tỷ lệ rất cao trong các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, xây dựng, dịch vụ lưu trú và ăn uống… Lao động phi chính thức tồn tại như một thành phần không thể thiếu đối với một quốc gia đang phát triển có quy mô dân số lớn như Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, lao động phi chính thức ở Việt Nam thực sự là lao động yếu thế với trình độ kỹ năng thấp, việc làm mang tính chất tạm thời, thiếu các bảo trợ xã hội và khó có thể bảo đảm mức sống tối thiểu cho bản thân và gia đình. 

Trong khuôn khổ chương trình, các chuyên gia của ILO, giáo sư Santosh Mehrotra, Đại học New Dehli (Ấn Độ)… đã chia sẻ các giải pháp để giảm thiểu tình trạng lao động phi chính thức trên thế giới. Nhiều kiến nghị đã được nêu ra.

Cụ thể là: (1) Hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích người lao động và người sử dụng lao động thực hiện ký kết hợp đồng lao động, tham gia bảo hiểm xã hội; (2) Tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định ở các doanh nghiệp cũng như các cơ sở sản xuất kinh doanh chính thức cho thuê lao động; (3) Có những chế tài xử lý mạnh hơn về những hành vi cố tình trốn tránh nghĩa vụ đối với người lao động của người chủ sử dụng lao động; (4) Thực hiện tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn về tầm quan trọng và lợi ích của bảo hiểm xã hội không chỉ đối với người lao động mà với cả người sử dụng lao động; (5) Cần bổ sung các hình thức được thụ hưởng đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện trong luật bảo hiểm xã hội; (6) Tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động; khuyến khích người lao động tự nâng cao trình độ để tìm kiếm được một công việc tốt.

Mai Hoa (Theo báo Hànộimới)