35 phóng viên, biên tập viên tham gia khoá bồi dưỡng “Kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương”.
Tham dự lễ khai giảng khóa học có ông Lê Quốc Trung, Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cố vấn cao cấp của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí. Cùng các giảng viên bao gồm: PGS. TS Đinh Thị Thuý Hằng - Cố vấn cao cấp và Nguyên Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí; Nhà báo Đặng Thị Huệ, Nguyên Phó Giám đốc Hệ Phát thanh dân tộc Đài tiếng nói Việt Nam; PGS. TS Lê Lan Chi, Chủ nhiệm Khoa Tư pháp hình sự Trường đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Lớp học có sự tham gia của 35 phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan báo chí tại Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Hoà Bình, Cao Bằng, Nghệ An, Lạng Sơn, Thái Bình,Thái Nguyên, Quảng Ninh. Trong khuôn khổ khóa tập huấn này, các nhà báo, phóng viên thảo luận, trao đổi xoay quanh 3 nhóm đối tượng, bao gồm: phụ nữ, người khuyết tật, và LGBTI.
Các phóng viên, biên tập viên tham gia khóa bồi dưỡng chụp ảnh lưu niệm cùng Ban tổ chức
Phân biệt đối xử với phụ nữ, người khuyết tật và LGBTI là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận các cơ hội và sự tham gia bình đẳng của họ trong xã hội. Trong vai trò cung cấp thông tin phù hợp, chính xác và khách quan cho người dân, các cơ quan thông tấn, báo chí và nhà báo có trách nhiệm bảo vệ mọi thành viên trong xã hội khỏi sự phân biệt đối xử.
Báo chí và các phương tiện truyền thông giúp thu hút sự chú ý của công chúng về các vấn đề phân biệt đối xử và quyền lợi chính đáng của một số nhóm nhất định trong xã hội đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc làm sáng tỏ những quan niệm sai lầm, xóa bỏ định kiến xã hội về các nhóm người trong xã hội.
Bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin cần thiết về các dịch vụ và cơ hội dành cho nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là những thay đổi về luật và chính sách của nhà nước, cũng là một bước quan trọng nhằm tạo điều kiện cho họ tham gia tích cực hơn vào xã hội.
Thông qua khóa bồi dưỡng, góp phần nâng cao hiểu biết và nhận thức cho nhà báo, phóng viên, biên tập viên về các vấn đề liên quan đến các nhóm người dễ bị phân biệt đối xử hoặc có xu hướng bị gạt ra ngoài lề xã hội. Từ đó, cải thiện chất lượng nội dung truyền thông, thực hiện các sản phẩm báo chí đảm bảo về quy định pháp lý, đạo đức nghề nghiệp, tính nhân văn và quyền lợi của các nhóm người dễ bị tổn thương.
Quang Hùng (Theo Báo Nhà báo & Công luận)