Cuộc thi là sáng kiến của Hội Nhà báo Việt Nam, Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, nhằm mục đích đẩy mạnh công tác truyền thông, khuyến khích báo chí sáng tạo các tác phẩm có chất lượng nhằm nâng cao nhận thức của công chúng và huy động sự tham gia của xã hội trong cuộc chiến chống lại lao động trẻ em.
Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại lễ trao giải.
Phát biểu tại Lễ trao giải, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Ngày hôm nay chúng ta có mặt ở đây để nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông trong công tác phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam. Đồng thời, tôn vinh các nhà báo đã góp phần tích cực nâng cao nhận thức về tác động của lao động trẻ em ở nước chúng ta. Bằng cách đưa thông tin và phổ biến cho công chúng về vấn đề đầy thách thức này, các nhà báo đã thúc đẩy những thay đổi tích cực đối với nhận thức của gia đình và cộng đồng qua đó dẫn đến những thay đổi rộng lớn hơn trong xã hội.
Cũng theo ông Hồ Quang Lợi, các tác phẩm báo chí lọt vào vòng chung khảo năm nay nhìn chung là những tác phẩm chất lượng, phong phú về đề tài và được đánh giá cao. Các tác phẩm đã phản ánh chân thực về vấn đề lao động trẻ em. Tuy nhiên, chưa có một tác phẩm nào đáp ứng được các tiêu chí đặt ra một cách hoàn hảo, vẫn còn bộc lộ những khiếm khuyết như chưa có ý tưởng độc đáo hoặc chưa đưa ra được giải pháp hữu hiệu.
Phát biểu tại Lễ trao giải, Tiến sĩ Chang- Hee- Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế ghi nhận sự tham gia tích cực của báo chí Việt Nam trong công tác tuyên truyền phòng ngừa vấn đề lao động trẻ em.
Ông Chang- Hee- Lee cho biết: Theo Điều tra Quốc gia về LĐTE năm 2012 ở Việt Nam, có hơn 1,7 triệu LĐTE tại Việt Nam, trong đó 70% trẻ em làm việc trong ngành nông nghiệp, số còn lại làm việc trong ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, 42% trẻ em lao động không đi học, 34% trẻ em làm việc hơn 42 giờ/1 tuần, điều này làm hạn chế cơ hội đến trường của các em.
Nhiều trẻ em lao động ở Việt Nam làm việc trong các khu vực phi chính thức, làm các công việc có nguy cơ cao về tai nạn, nhiệt độ khắc nghiệt và môi trường độc hại, làm việc ngoài trời. Những môi trường như vậy có thể gây thương tích và cản trở sự phát triển của trẻ về thể chất cũng như tinh thần.
Ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm với các tác giả được giải.
Cuộc thi này là hoạt động truyền thông về ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động sớm và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật đồng thời chia sẻ khuyến khích những nỗ lực để ngăn chặn tình trạng lao động trẻ em ở Việt Nam.
Ngoài ra, cuộc thi cũng nhằm khuyến khích và tôn vinh các nhà báo viết về lao động trẻ em thông qua các sản phẩm báo chí, truyền thông có nội dung và hình thức thể hiện tốt về các giải pháp, đề xuất, sáng kiến, gương điển hình, kinh nghiệm, mô hình tốt trong công tác phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em.
Sau 5 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được 107 tác phẩm tham dự đến từ các cơ quan báo chí trên cả nước, trên cả 4 loại hình. Qua vòng sơ khảo BTC đã lựa chọn 40 tác phẩm đạt chất lượng vào vòng chung khảo. Kết quả 16 tác phẩm xuất sắc nhất được trao giải báo gồm 2 giải B, 6 giải C, 8 giải khuyến khích.
Danh sách các tác phẩm đạt giải Cuộc thi viết về "Phòng ngừa lao động trẻ em":
Các tác phẩm đạt Giải B:
Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thườn trực Hội Nhà báo Việt Nam trao bằng khen và chứng nhận cho các tác giả đạt Giải B
1. "Xót xa giấc mộng đổi đời của trẻ em vùng biên". Nhóm tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Trang và Nguyễn Thị Thảo- Báo điện tử Vietnamnet.
2." Ngăn chặn lạm dụng lao động trẻ em". Nhóm tác giả: Hồ Cúc Phương, Phùng Nguyên và Xuân Quỳnh -Báo Nhân Dân.
Các tác phẩm đạt Giải C:
Nhóm tác giả đạt Giải C.
1. "Trẻ em phải lao động kiếm sống: Trách nhiệm của gia đình và xã hội". Nhóm tác giả: Nguyễn Thị Hà và Văn Thị Hồng Nhung Báo Phụ nữ Thủ đô.
2. "Cuộc chiến chống nạn “chăn dắt ăn xin”". Nhóm tác giả: Ngô Văn Cường, Nguyễn Thị Hà và Nguyễn Văn Thắng Báo Lao động.
3. "Ngăn chặn lạm dụng lao động trẻ em". Nhóm tác giả: Phạm Thị Minh Hiền và Trần Anh Phong Báo Thừa Thiên Huế.
4. "Cần một cuộc “đại phẫu” ngăn ngừa lao động trẻ em". Nhóm tác giả Nguyễn Thị Phương Thảo, Phạm Tuấn Linh, Nguyễn Mai Lan, Phạm Trung Tuyến và Trang Công Tiến Kênh VOV giao thông.
5. "Rao con giữa chợ… đời". Nhóm tác giả: Nguyễn Duy Trung (Duy Luân) - Trần Đức Nam (Đức Nam) - Huỳnh Văn Hoàng (Huỳnh Văn) Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh.
6. "Dụ dỗ, lừa phỏng trẻ em bỏ học đi lao động". Nhóm tác giả: Quách Quế - Hoàng Hà - Đỗ Thịnh - Văn Diện Truyền hình Công an nhân dân.
Giải Khuyến khích
Nhóm tác giả đạt Giải Khuyến khích.
1. "Phòng ngừa lao động trẻ em - Nhìn từ góc độ chống tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số". Nhóm tác giả: Nguyễn Quang Hải (Hải Minh), Lương Thị Việt Yến (Trang Ly), Hoàng Thị Phương Liên (Phương Liên) và Trần Hồng Quỳnh (Trần Quỳnh)- Tạp chí Dân tộc .
2. "Người đàn bà vẽ chữ “Tâm”". Tác giả: Thành Nam -Hội Nhà báo Lâm Đồng.
3. "Phòng ngừa lao động trẻ em". Tác giả: Hữu Huynh- Báo An Giang
4. "Phòng ngừa lao động trẻ em" . Tác giả: Trịnh Quỳnh Hoa (Quỳnh Hoa)- Báo Văn hóa.
5. "Những người mẹ trục lợi trên thân xác con trẻ"" . Tác giả: Trần Văn Hiếu (Linh Trần)- Báo Phụ nữ Việt Nam.
6." Phòng ngừa lao động trẻ em: Cần những chính sách đồng bộ"". Nhóm tác giả: Ma Thị Thảo Vân (Châu Anh) và Lê Mạnh- Tạp chí Gia đình và Trẻ em.
7. "" Ranh giới mong manh giữa lao động trẻ em và phụ giúp gia đình"". Tác giả: Nguyễn Thị Vân Khánh (Vân Khánh)- Báo Lao động và Xã hội.
8. "Lời giải cho thực trạng trẻ em lao động ở nông thôn. Nhóm tác giả: Đỗ Trung Thuận (Trung Thuận), Nguyễn Kim Loan (Vân Tịnh ), Lê Tấn Khoa (Tấn Khoa ) và Hà Thị Ngọc Hương (Hà Hương) Phòng Giao thông Mekong - Kênh VOV Giao thông.'
Minh Khuê (Theo Báo Nhà báo và Công luận)