Tiến sỹ Lokky Wai, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam. Ảnh: WHO

+ WHO có thể chia sẻ một số số liệu về nghiên cứu, thống kê gần nhất về tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người?

– Tác hại của sử dụng rượu có thể dẫn đến xơ gan, ung thư và các vấn đề sức khỏe tâm thần. Tại Việt Nam, gần 80% của bệnh xơ gan ở nam giới có liên quan đến sử dụng rượu, bia. Theo báo cáo toàn cầu về tác hại của rượu, bia được WHO công bố năm 2014, gần một nửa số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm có liên quan đến sử dụng rượu, bia. Các bệnh không lây nhiễm như bệnh đái tháo đường, bệnh tim mạch và ung thư đã đặt thêm gánh nặng cho hệ thống y tế ở Việt Nam và chiếm tỉ lệ 73% của tổng số tử vong, tiêu hao rất lớn nguồn lực y tế cho việc điều trị các ca bệnh này.

Theo cuộc điều tra các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm do WHO và Bộ Y tế tiến hành vào năm 2015, 77,3% nam giới Việt Nam uống rượu, bia và 44,2% nam giới Việt Nam uống rượu bia ở mức độ nguy hại (mỗi lần uống 6 cốc bia hơi hoặc hơn trong 30 ngày qua).

+ TS có thể so sánh về hiện trạng ảnh hưởng của rượu bia đối với con người ở các nước trên thế giới và Việt Nam. Và cách các nước đang áp dụng quy định của luật trong phòng chống tác hại của đồ uống có cồn này?

– Sử dụng quá nhiều rượu, bia dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần. Theo một báo cáo từ Bộ Y tế Thái Lan trong năm 2014, khoảng 43% các trường hợp tự tử có liên quan rượu, bia. Một nghiên cứu ở Phần Lan trong năm 2012 – 2013 cho thấy rằng, 38% đàn ông đã từng có ý định tự tử do sử dụng rượu, bia.

Sử dụng quá nhiều rượu cũng gây ra gánh nặng kinh tế cao cho các quốc gia. Ước tính các chi phí liên quan đến tai nạn giao thông do rượu, bia ở Việt Nam lên tới gần 1 tỷ đô la Mỹ (năm 2010).

Hiện nay, có 66 quốc gia có luật pháp kiểm soát rượu, bia. Lào gần đây đã thông qua một bộ luật để kiểm soát việc sử dụng rượu bia ở mức nguy hại.

Pháp là một ví dụ điển hình về phòng ngừa tác hại liên quan đến rượu, bia thông qua luật pháp. Luật phòng chống tác hại của rượu bia ở Pháp cấm mọi hình thức quảng cáo các loại đồ uống có cồn trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tạp chí, đài phát thanh, rạp chiếu phim.

Về phòng, chống uống rượu khi lái xe, Pháp cũng đã đưa ra một chính sách rất mạnh mẽ. Người vi phạm có thể phải đối mặt với án tù tới 3 năm và mức phạt 4.500 Euro. Sau 1 năm thực hiện, số ca tử vong do uống rượu khi lái xe năm 2003 đã giảm 18% so với năm 2002.

Ở Phần Lan, Chính phủ độc quyền bán đồ uống chứa hơn 4,7% cồn. Những loại đồ uống có cồn chỉ có thể được bán tại 370 cửa hàng đã đăng ký trên khắp Phần Lan, hạn chế một cách hiệu quả sự sẵn có của rượu.

+ Với những gợi ý từ các nước, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam có đề xuất gì trong việc hạn chế tác hại của rượu bia đối với con người?

– Để có một nền tảng pháp lý vững chắc cho việc thực hiện một cách hiệu quả các chính sách để giảm sử dụng có hại của rượu, bia Việt Nam cần thiết phải có một bộ luật mạnh mẽ và toàn diện. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là thực thi nghiêm ngặt khi luật đã được Quốc hội thông qua.

Luật cần phải toàn diện và bao gồm các lĩnh vực kiểm soát rộng, cụ thể gồm: Kiểm soát sự sẵn có của rượu, bia thông qua cấp phép chặt chẽ các điểm bán hàng; thực thi lệnh cấm bán rượu cho trẻ em và trẻ vị thành niên; kiểm soát chất lượng các loại rượu tự nấu; tăng giá rượu, bia; cấm, hạn chế quảng cáo rượu, bia, và các loại đồ uống có cồn; thi hành nhất quán chính sách cấm uống rượu, bia khi lái xe.

Có 3 lý do chính cho việc sử dụng quá nhiều rượu, bia ở mức độ cao tại Việt Nam, đặc biệt là ở nam giới: Thứ nhất là giá rượu, bia rẻ. Thứ hai là mọi người đều có thể dễ dàng mua rượu, bia ở mọi nơi. Việt Nam có quy định cấm bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi, nhưng nó không được thực thi đầy đủ. Thứ ba là việc quảng cáo rượu, bia không được kiểm soát. Điều này khiến người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ tiếp xúc với tiếp thị rượu, bia ở mức độ cao. Tiếp xúc với tiếp thị rượu, bia sớm sẽ dẫn đến tăng sử dụng rượu, bia trong giới trẻ. Bằng chứng ở Mỹ đã chỉ ra rằng, đối với trẻ từ 10 – 16 tuổi, vịệc tiếp xúc với quảng cáo càng cao thì cơ hội bắt đầu uống lần đầu tiên của trẻ càng tăng (tăng 42%).

Hữu Oanh (Theo báo Thanh tra)