Thông tin trên được Nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - phụ trách phía Nam, chia sẻ tại Lễ khai giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí về ứng dụng AI, Chat GPT trong tác nghiệp báo chí, ngày 25-1.
Nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - phụ trách phía Nam chia sẻ tại lễ khai giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí về ứng dụng AI, Chat GPT trong tác nghiệp báo chí
Theo Nhà báo Trần Trọng Dũng, đây là lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí đầu tiên về ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào tác nghiệp báo chí do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức trong năm 2024 tại Tp. Hồ Chí Minh. Lớp học này nhằm truyền đạt đến những người làm báo kỹ năng sử dụng, tham khảo thông qua các công cụ của trí tuệ nhân tạo AI, Chat GPT giúp hiệu quả hơn và rút ngắn thời gian sản xuất 1 tác phẩm báo chí.
"Máy móc, công nghệ không thể thay thế công việc của một nhà báo vì tác phẩm báo chí gắn liền với đời sống xã hội. Bên cạnh đó, nhà báo có quan điểm, tình cảm, góc nhìn, cảm xúc khi viết một tác phẩm. Điều này phụ thuộc vào trải nghiệm, kinh nghiệm của nhà báo chứ trí tuệ nhân tạo không thể nào làm được. Tuy nhiên, xu hướng hiện đại, khi biết ứng dụng, hiểu được thế mạnh và nhược điểm sẽ giúp cho các tác làm báo phong phú, hiệu quả nhưng vẫn không mất đi tính nhân văn, chuyên nghiệp của nghề báo" - nhà báo Trần Trọng Dũng nhấn mạnh.
Lớp học có sự tham gia của 46 nhà báo, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí tại TP HCM và các tỉnh phía Nam. Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do Nhà báo Ngô Trần Thịnh – Trưởng Bộ phận Nội dung số, Trung tâm Tin tức, Đài Truyền hình TP HCM, giảng viên kiêm chức của Trung Tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam giảng dạy.
Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do Nhà báo Ngô Trần Thịnh – Trưởng Bộ phận Nội dung số, Trung tâm Tin tức, Đài Truyền hình TP HCM, giảng viên kiêm chức của Trung Tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam giảng dạy.
Tại buổi tập huấn, các học viên được tìm hiểu về những ứng dụng của AI, chat GPT trong tác nghiệp báo chí như thu thập thông tin; tổng hợp thông tin; xử lý dữ liệu; viết tin, bài; biên tập cho đến sản xuất các sản phẩm truyền thông đa phương tiện.
Bên cạnh đó, các học viên còn thực hành cũng như trao đổi, thảo luận về những thách thức và giải pháp trong việc ứng dụng AI và chat GPT trong tác nghiệp báo chí.
Sau buổi tập huấn, các nhà báo, phóng viên, biên tập viên sẽ được cập nhật kiến thức mới, mở rộng sự sáng tạo trong công việc của mình, tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo, để sản xuất nội dung thông tin nhanh chóng, hiệu quả, đáp ứng xu hướng làm báo hiện đại.
Tin, ảnh: Hải Yến (Theo Báo Người Lao động)