Tham gia lớp học có 24 nhà báo là tổng biên tập, cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên đến từ nhiều cơ quan báo chí TW đóng trên địa bàn thành phố HCM và các tỉnh khu vực Đông và Tây Nam bộ.

Các học viên đã được trang bị những kiến thức mới về báo chí đa phương tiện trên các nền tảng số, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội phổ biến hiện nay, đồng thời, được thực hành các kỹ năng xây dựng kênh YouTube “nối dài cánh tay của báo chí”; xây dựng Fanpage cho cơ quan báo chí, cho các chương trình, chuyên mục, dự án, chiến dịch ngoài mặt báo; khai thác mặt tích cực của truyền thông xã hội, mạng xã hội vào công tác báo chí.

Nhà báo Phan Văn Tú (phải) hướng dẫn các nội dung lớp học.

Các học viên cũng được các kỹ năng sản xuất sản phẩm đa phương tiện phù hợp cho các nền tảng số; phương pháp quản lý bình luận, cách thức khảo sát hành vi người dùng để cải thiện nội dung v.v…

Giảng viên phụ trách lớp học là nhà báo, ThS. Phan Văn Tú – Trưởng bộ môn báo chí, Khoa Báo chí – Truyền thông trường Đại học KHXH-NV TP.HCM, giảng viên kiêm chức của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam), khách mời chuyên gia của lớp học là nhà báo Đặng Sinh, biên tập mảng social media của báo Thanh Niên.

Phát biểu cảm tưởng sau khóa học, nhà báo Hoàng Đại Thanh, tổng biên tập Tạp chí điện tử Một Thế Giới cho rằng, khóa học này hết sức bổ ích, nhiều nội dung kiến thức và kỹ năng rất mới, rất hiện đại đã được giảng viên trình bày dễ hiểu cho ngay cả với các học viên lớn tuổi như anh.

Đây là khóa học đầu tiên của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí về chủ đề này.

Trước đó từ ngày 23-25 /11/2020, tại Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long có gần 40 nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí Tỉnh Vĩnh Long đã được giảng viên Phạm Hoài Thanh truyền đạt phương pháp và kỹ năng thể hiện đồ họa thông tin hiện đại.

PV